Ký ức về Nội và ấm chè hãm
Tin Mới, Văn Hóa Trà

Ký ức về Nội và ấm chè hãm

“Thái Nguyên đệ nhất danh trà

Nước xanh như cốm đậm đà tình quê.

Dẫu xa ngàn dặm sơn khê

Hương thơm quấn quýt lối về đường đi.”

Những câu thơ tôi vô tình đọc được khi lướt web sáng nay bỗng khiến tôi lặng người đi. Dường như nó đã nói hộ được nỗi lòng của chúng tôi – những đứa con xa quê lâu ngày chưa có dịp trở về. Đứng trên ban công kí túc xá của ngôi trường Humboldt, nhìn ra xa xa, vẫn là bầu trời nước Đức, cảnh vật nước Đức. Tôi thấy mình lạc lõng… Và rồi biết bao những kỉ niệm ấu thơ trong tôi tràn về. Tôi như nhìn thấy nội tôi vẫn đang ngồi đó, đang hãm chè bên bếp lửa, mắt nheo nheo dụi tàn tro…

Nhà tôi không ở nằm trong vùng chè đặc sản Tân Cương cũng không trồng chè nhưng ai ai cũng thích uống chè, nhất là chè tươi. Cái thú uống chè, nhâm nhi vị chát mà thanh mát của chén chè dường như được truyền từ ông nội tôi sang bố tôi và giờ đến chúng tôi. Tôi thích uống chè tươi hơn chè đã xao khô. Uống nhiều đâm thành nghiện. Vậy nên trong hành trang đi học của một du học sinh như tôi, chè là thứ không thể thiếu. Tôi không quên cất giữ cho riêng mình chút hương vị quê hương, để mỗi khi nâng chén chè, hít hà mùi thơm của nó, nhấm nháp và tận hưởng dư vị của nó, tôi như được trở về nhà, sống trong ân tình ấm áp của gia đình tôi thuở nào.

Tôi nhớ, ngày ông tôi còn sống, ông thường dậy rất sớm để có thể tự tay đi chợ mua những bó chè tươi nhất về hãm bởi chỉ có lá chè tươi mới dậy được cái hương vị đặc trưng của chè. Ông dạy chúng tôi: khi chọn lá chè cần chọn lá bánh tẻ nghĩa là không quá già cũng không quá non, sau đó phải rửa thật sạch, để ráo và vò sơ qua. Muốn nước chè hãm giữ được màu xanh, vị đậm, hương thơm, không bị chuyển sang màu đỏ bầm, vị đắng thì khi nước vừa kịp sôi, phải nhanh tay cho chè tươi vào ấm đất, dùng đũa đẩy hết phần lá cho ngập nước rồi đun thêm một lúc cho chín sau đó bắc ra. Lửa đun cũng phải giữ luôn ổn định, không quá nhỏ mà cũng không quá lớn.

Một điều đặc biệt nữa là, ông tôi không bao giờ dùng nước giếng để hãm chè mà chắt lọc nước mưa để hãm; không dùng củi bình thường để đun mà dùng gốc tre khô để tạo ra thứ lửa ít khói nhất khiến cho nước chè mang “thương hiệu” đặc biệt chỉ ông mới tạo ra được.

Cái ấm đất ông tôi thường dùng để hãm chè nay không còn nữa nhưng trong kí ức tôi, nó vẫn hiện hữu mãi. Ông bảo khi nấu, phần vòi ấm phải được nút kín để lưu giữ lại hương thơm và cũng là để tránh cho nước trào ra ngoài khi lửa quá lớn. Giờ bố tôi hay hãm bằng ấm nhôm, lại hãm trên bếp ga nên mùi vị không được như ấm chè trước kia ông hãm.

Nấu nước chè xong, tôi nhớ ông còn cẩn thận trấn vào đấy một gáo nước lạnh rồi ủ nóng uống suốt cả ngày khiến nồi nước chè vẫn xanh trong, không bị chuyển thành màu hổ phách, mất đi cái sắc đặc trưng rất riêng của nước chè tươi. Có nhiều cách để ủ chè. Ủ bằng các ấm đất, ang đất, bình tích sứ để trong giành tích hoặc thúng nhồi rơm, bao tải chèn quanh đặt trong một cái thùng gỗ vuông đóng vừa khít hoặc giỏ đan bằng mây, tre đều được. Riêng ở nhà tôi, vật dụng thường được trưng dụng chính là cái giỏ mây cũng là do ông tôi tự bện.

Vì vậy, hãm chè với ông và tụi nhỏ chúng tôi khi đó đâu đơn giản chỉ là nấu bát nước giải nhiệt mùa hè, ấm bụng mùa đông mà còn là cả một nghệ thuật, là những câu chuyện gắn kết tình ông cháu, là sự sẻ chia, là niềm vui sum họp gia đình. Ông tôi vốn là người gốc Bát Tràng, là cán bộ hưu trí. Trước ông công tác ở Sở Văn hóa nên hiểu biết của ông về văn hóa, đặc biệt là văn hóa làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ luôn khiến chúng tôi phải trầm trồ thán phục. Bài học về cách hãm chè tươi sao cho thật ngon, làm cho nước chè có màu xanh đặc trưng, có vị thơm mát, có chút chát mà lại rất thanh khiến tôi nhớ mãi bởi ẩn chứa đằng sau đó là hình ảnh nội tôi với mái tóc bạc phơ, dáng người mảnh khảnh nhưng nhanh nhẹn, đôi mắt rất hiền và luôn mỉm cười trìu mến với chúng tôi. Cái cầu kì, cẩn thận từ việc chọn nguyên liệu đến chế biến, bảo quản một phần nói lên tính cách của nội. Điềm đạm, cẩn trọng mà thân tình, giản dị. Bên nội, tôi thấy bình yên đến lạ…

Nội mất, chiếc ấm đất vỡ… Bố tôi là người thay thế, đảm nhiệm công việc hãm chè cho cả gia đình, mặc dù không được đều đặn như trước nữa nhưng ngày nào có ấm chè ngon, chúng tôi đều không quên rót mời ông đầu tiên. Anh trai tôi vào đại học đã lựa chọn ngành Trồng trọt của Đại học Nông lâm Thái Nguyên để có điều kiện nghiên cứu về cây chè quê mình. Còn tôi, mặc dù lựa chọn con đường du học với chuyên ngành truyền thông, nhưng dường như có duyên nợ với cây chè, không khi nào tôi thôi đau đáu về một dự án phát triển hơn nữa thương hiệu cho cây chè quê hương. Tôi thầm cảm ơn ông, cảm ơn mảnh đất đã nuôi dưỡng tôi, bồi đắp cho tôi tình yêu đặc biệt với cây chè.

Vân Huyền

Leave a Reply