“… Ghé thôn mai nọ, hỏi trà mạn xưa…”
Tin Mới

“… Ghé thôn mai nọ, hỏi trà mạn xưa…”

Về Thái Nguyên lần này, thể theo mong muốn của đứa bạn thân ở Hưng Yên có được nguồn trà sạch và ngon, mình theo chân người được coi là “sành trà” Thái Phương đến Tân Cương mua trà cổ Trung du.

Gọi là trà cổ Trung du vì đây là loại trà truyền thống đất Thái, được cụ Đội Năm Vũ Văn Hiệt (1883 – 1945) di thực từ vùng trung du Bạch Hạc hồi đầu thế kỉ 20. Nhân gian có những cuộc tao ngộ kì thú: thức “ngọc ẩm” Thái Nguyên có được ngày nay là đến từ một vùng đất khác (Phú Thọ), do một người xứ khác (Hưng Yên) đem về, gặp đúng thổ nhưỡng và khí hậu tương thích đã cho ra đời sản vật có dư vị lạ so với bản địa. Nước trà sóng sánh xanh, ngả màu mật ong, hương cốm non, hậu vị đậm đà và thanh tao. Có lẽ để tri ân gốc gác, ngọc ẩm được gọi tên “Trà Cánh Hạc”. Nhất phẩm danh trà này biến Thái Nguyên thành thủ phủ trà Việt Nam. Năm 1935 sản phẩm thắng giải nhất trong cuộc triển lãm tại Đấu xảo Hà Nội, đưa Cánh Hạc bay ra thị trường nước ngoài.

Thế sự thăng trầm, cây trà cổ Trung du vẫn còn đó trong các mảnh vườn nhỏ Tân Cương, nhưng rồi leo lét không cầm cự được với sự xâm thực thị trường của giống trà nhập, trà lai lá to bản, sinh trưởng nhanh, cho năng suất gấp nhiều lần. Lại được canh tác theo lối hiện đại với phân hóa học, thuốc trừ sâu. Lại được “làm hàng” tạo màu, lên hương… Cho nên, cũng là trà Thái Nguyên đó, cũng là nhãn mác Bạch Hạc đó nhưng hương vị thuần chất của Việt cổ trà đã mai một, tinh túy đất trời hao mòn, khiến chén trà trở nên nhạt nhẽo, pha tạp, nói chi đến sạch và ngon.

Cây trà cổ Trung du có nguy cơ dần trở thành di tích “vang bóng một thời”, bóng dáng nó thấp thoáng trong các khu vườn nhỏ như một niềm tiếc xưa của lớp người hoài cổ… Và cùng với nó, danh tiếng thủ phủ đệ nhất trà Thái Nguyên rồi cũng sẽ tiêu vong, như bao vàng son xứ sở mình từng đã tiêu tan…

May thay, vẫn còn đó những hậu duệ đất trà Thái biết nâng niu báu vật trời cho, nặng lòng với di sản cha ông truyền lại, lấy đấy làm vốn liếng khởi nghiệp, gây dựng lại thương hiệu trà chân chính. Một trong những người như thế là ông chủ An Dương Trà – anh Nguyễn Thanh Dương.

Từ những năm 2005 – 2007, khi giống trà lai có năng suất cao được trồng ồ ạt tại Tân Cương, anh Dương chủ trương không chạy theo thị trường dễ dãi, mày mò thử nghiệm trồng lại cây trà cổ. Sau bao ngày tháng kiên trì HTX Chè Trung Du Tân Cương do anh sáng lập đã gặt hái thành công: lấy lại được nguyên chất lượng trà xưa, giữ lại được cho đời thức trà đặc trưng về hương vị và màu nước đẹp, tri ân tiền hiền tiên tổ, tri âm khách đối ẩm thanh tao.

Quay lại với quy trình canh tác và chế biến trà xưa, HTX Chè Trung Du dùng phân hữu cơ, không thuốc trừ sâu, không hóa chất, không phụ gia. Có người khách quý của gia đình mình được biếu hộp An Dương Trà, vốn nhạy cảm với tạp chất, đã đem trà đi thử nghiệm và nhận được kết quả: tuyệt đối tinh khiết, không một giọt hóa chất. Vị khách trà này quyết định từ nay chỉ uống trà An Dương.

Sau khi thưởng ấm trà mình gửi, đứa bạn nức nở khen thơm ngon và cũng ra quyết nghị thư từ bây giờ sẽ mua trà An Dương, coi như không còn phải loay hoay tìm nguồn thức uống sạch – bổ – ngon nữa.

Sau khi đảm bảo khâu “sạch – bổ – ngon”, An Dương Trà đang ấp ủ khâu cuối cùng của việc thưởng lãm trà: đẹp. Sản phẩm tiếp theo sẽ là những bông hoa được kết công phu và tinh tế từ những búp trà chọn lọc, bung nở trong chén trà huyền ảo dậy hương thơm.

Dịp này mang vào trà Thái vào Nam làm quà là “đúng bài”. Nghe nói, cây trà thích hợp với thời tiết miền Bắc từ tháng 9 âm lịch đến trước khi vào Hạ, lúc này hàm lượng tinh dầu trong lá cao hơn cả, cho ra những mẻ trà thơm ngon nhất trong năm. Nào, giờ thì pha ấm trà thơm, ngâm nga cùng thi sĩ Động hoa vàng:

“Mùa xuân bỏ vào suối chơi

Nghe chim hát núi gọi trời xuống hoa

Múc bình nước mát về qua Ghé thôn mai nọ hỏi trà mạn xưa”.

Phương Phạm

Leave a Reply