Đưa cây chè xuống phố?
Uncategorized

Đưa cây chè xuống phố?

Là một bộ phận của hạ tầng giao thông đường bộ, giải phân cách đảm nhận nhiều chức năng quan trọng. Trước hết, nó có ý nghĩa về mặt giao thông với vai trò phân chia làn đường, định hướng luồng giao thông dành cho phương tiện cơ giới. Tùy vào diện tích và đặc thù mỗi cung đường, người ta lựa chọn hình thức, chất liệu riêng cho dải phân cách.

Giả sử, đối với đường cao tốc, khi yếu tố an toàn và hiệu quả được đặt lên hàng đầu, thiết kế phân cách hướng đến sự đơn giản, gần như không trồng cây bởi việc tưới tiêu, chăm sóc sẽ gây nguy hiểm. Thậm chí, ở các nước phát triển, để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, người ta còn sáng tạo ra dải phân cách tối giản, có thể uốn lượn linh hoạt khi lưu lượng giao thông ở hai làn đường không đồng nhất.

Ngược lại, trên nhiều tuyến phố nội đô, dải phân cách “điệu đà” hơn với cây xanh và hệ thống cảnh quan như trụ đèn, biển báo, biển quảng cáo hay nhiều biểu tượng nghệ thuật độc đáo được xếp đặt cầu kỳ mỗi dịp lễ tết. “Xương sống” lòng đường khi đó còn có thêm giá trị về môi trường, thông tin, tâm lý và văn hóa. Cây lá, cỏ hoa trên dải phân cách tạo ra vệt xanh mát mắt giữa hai luồng khói bụi, khiến đường phố thêm xanh tươi, thân thiện, giảm căng thẳng khi tham gia giao thông. Ở một số địa phương, dải phân cách trở thành “sứ giả văn hóa” khi khoác lên mình tinh hoa của văn hóa bản địa. Tiêu biểu là đường phố Đồng Tháp với những dải phân cách rực rỡ hoa sen, nhắc du khách nhớ rằng, họ đang đi giữa mênh mông trời nước Tháp Mười…

Có thể nói, dải phân cách là một trong những điểm nhấn làm nên diện mạo phố phường. Nhiều con đường được mệnh danh là “đẹp nhất”, “xanh nhất”, “độc đáo nhất”, thu hút du khách nhờ có những dải phân cách ấn tượng. Tuy nhiên, dạo một vòng quanh thành phố Thái Nguyên, sẽ thấy không ít dải phân cách thiếu chỉn chu, nhếch nhác, án ngữ ngay tại những cung đường trung tâm. “Đường  vàng” Bắc Sơn suốt một thời gian dài trong trạng thái “thuận tự nhiên” với những cây cảnh không được cắt tỉa, đua cùng cỏ dại mọc tràn ra cả lòng đường. Dải phân cách đường Cách mạng Tháng Tám trồng quá nhiều loại cây, và dường như không theo một quy luật nào hết, tạo cảm giác lộn xộn, tủn mủn. Một số dải phân cách trở thành vườn rau tự phát, đáp ứng khát vọng rau sạch của cư dân ven đường. Mà đã là vườn thì phải chăm bón, tưới tắm, rào giậu dẫn đến tình trạng cuốc xới, be bịt rất mất mỹ quan, cản trở tầm nhìn của người điều khiển phương tiện. Dọc Quốc lộ 3, người dân lại tận dụng lưới sắt phân cách để phơi phóng chăn màn và đủ loại quần áo, mành chiếu, giẻ lau gợi hình ảnh của những khu tập thể “chuồng cọp” ngày mưa gió…

Thiết nghĩ, từ mô hình trồng sen trên dải phân cách ở Đồng Tháp, có thể cân nhắc “đưa chè xuống phố” tạo điểm nhấn, khơi gợi nét văn hóa Thái Nguyên. Cây chè thế đẹp, dễ cắt tỉa, sống lâu năm, không cần cầu kỳ chăm bón, lại phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu. Những năm gần đây, nhiều gốc chè cổ thụ từ vùng đồi Tân Cương, La Bằng… đã được giới cây cảnh rước về trồng trên sân thượng, trước tiền sảnh, trong vườn nhà đáp ứng nhu cầu thưởng lãm tinh túy vùng đất trung du. Qua Thái Nguyên, du khách phương xa nếu không có dịp đến những không gian văn hóa chè vùng ven thành phố, thì có thể chầm chậm lái xe qua những con đường xanh mướt gốc chè. Âu cũng có phần thi vị…

Hiểu Mai

Leave a Reply