Bí mật của việc uống trà
Tin Mới, Văn Hóa Trà

Bí mật của việc uống trà

Trà Thái Nguyên nói riêng và trà Việt Nam nói chung đã trở thành đồ uống thông dụng có lợi cho sức khỏe con người. Thứ đồ uống này đã ngày càng nâng lên thành văn hóa vật thể, phi vật thể trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

           Người ta bảo uống trà Thái là có thể cảm nhận được khá đầy đủ về Thái Nguyên bởi trà mang đậm hồn xứ Thái. Đúng vậy! Trà Thái Nguyên không bao giờ bị lẫn với bất cứ loại trà nào, bởi dường như xứ Thái dành cho trà tất cả những gì tốt nhất. Cả bóng mát của dãy núi Voi, cả nguồn nước ngọt lành của con sông Cầu, cả sức mạnh của các chàng trai, sự dịu dàng, đằm thắm của các cô thiếu nữ đều dành cho trà. Trà được chiều chuộng, được chăm chút bằng cả tình yêu thương của người của đất Thái Nguyên.

           Ngay cả người Thái Nguyên, không phải ai cũng biết uống trà. Càng không phải ai cũng biết trà ngon trà dở. Tôi đã chứng kiến rất nhiều cuộc tranh luận. Người thì bảo trà ngon phải nước xanh hương cốm, khi uống vị trà chát rồi chuyển sang ngòn ngọt. Người thì rằng trà ngon phải đượm về hậu, càng nước sau càng đậm hơn nước trước. Trăm người trăm ý, nhưng ai cũng khư khư cho rằng gu thưởng thức của mình mới là “chuẩn không cần chỉnh”.

Cũng như mỗi gia đình ở xứ Thái, hàng ngày nhà tôi đều uống trà mà chúng tôi vẫn quen gọi là uống chè. Mới bỏ trà vào ấm, chờ nước sôi, đã dần phảng phất hương thơm dìu dịu của thiên nhiên. Đến khi rót nước vào ấm, hương trà càng nồng nàn lan tỏa. Ngày trước tôi còn ở nhà, cứ sáng sáng, bố tôi ủ một ấm tích chè xanh đại tướng, đủ uống cho cả ngày đi làm đồng, làm bãi. Vẫn bộ ấm chén rẻ tiền bán phổ biến ở các chợ quê vùng núi, nhà tôi đã mời anh em, hàng xóm, bạn bè thưởng thức trà Thái. Nhưng là loại trà thường, Thái Nguyên nơi nào cũng có bán. Còn chè búp “móc câu”, “chè đinh” sịn, quý thì mẹ cất kỹ, chỉ những khi có việc trọng đại hay có khách quý mới đem ra pha.

 Nhà tôi làm mấy sào chè nên đủ uống quanh năm. Thực lòng, nhà tôi không bao giờ dám uống loại chè hàng triệu đồng, vì còn để bán giúp gia đình có thu nhập. Những loại chè rất đặc biệt đến nỗi người ta không dám gọi một cách tầm thường là “chè” mà phải thay bằng từ “trà” tao nhã. Lâu nay người thành phố quen gọi “trà” thay cho “chè”. Chỉ còn những người thôn quê như chúng tôi vẫn còn dùng cái từ nguyên bản ấy.

            Tôi không bao giờ quên được buổi uống trà của ngày đi làm đầu tiên trong đời. Thời gian đã trôi qua, tôi bước đi con đường của riêng tôi khi có duyên làm việc trong một cơ quan nhà nước. Chẳng có gì giống như tôi tưởng tượng. Thay vì thầm nghĩ nơi đây sẽ căng thẳng vì các tiến độ công việc, thì buổi giao ban hàng tháng vẫn diễn ra bên bàn trà, giản dị và thân thương như trong một gia đình đầm ấm. Ấm chén vẫn sạch tinh mỗi sáng, tiếng cười giòn tươi của cán bộ, đồng nghiệp khiến tôi không thể quên.

Tôi uống trà, như một sở thích, càng như một thói quen. Vì đơn giản đồ uống này giúp tôi tỉnh táo. Quán quen của tôi và đồng nghiệp cũng mặc nhiên tạo thành thói quen chuẩn bị bình trà lỡ khách gọi bất chợt. Thực ra, các bạn cũng nên mơ mộng đến những không gian trà thực sự, để chỉ cần có mặt ở đó, không cần thêm bất cứ thông tin nào, lời giải thích thuyết minh nào, bạn bè muôn phương đã có thể cảm nhận rõ ràng về đất Thái Nguyên, người Thái Nguyên.

Nhiều người nói họ không thích vị trà Thái, vì chát quá, hương trà lại đậm quá. Dường như đa phần trong số đó là người trẻ, chưa bị va vấp nhiều trong cuộc đời nên chưa đủ trải nghiệm để thấm thía thế nào là vị ngọt vị đắng. Quen với vị trà chanh, trà đá vỉa hè, uống ào ào mỗi khi thấy khát, họ làm sao biết đến cái hứng thú của sự nắn nót từng búp trà, nhâm nhi từng cữ nước?

Các bậc cha ông đã dạy, rằng người khôn ngoan không ai hỏi thăm người khác có bao nhiêu tiền, có bao nhiêu ruộng đất, có bao nhiêu nhà cửa, mà chỉ hỏi về sức khỏe. Vì sao? Vì nếu có sức khỏe thì có nhiều mơ ước, nhiều ham muốn, nhiều cố gắng phấn đấu để đạt được nhiều tiền của, nhiều danh vọng. Còn nếu không có sức khỏe thì có chỉ có một nguyện vọng, đó là: “có sức khỏe”. Vậy, sức khỏe là số một, là thuộc về bản thân con người, còn tất cả các cái khác chỉ là vật ngoại thân, chẳng có ý nghĩa gì lâu dài. Muốn có sức khỏe tốt, muốn có nhiều niềm vui, hãy uống nước trà hàng ngày. Giá trị lớn lao khi uống trà sẽ đạt đến sự yên tĩnh, tĩnh lặng đối với sức khỏe con người, cả sức khỏe tâm thần lẫn sức khỏe thể xác. Hình như nó đã đi vào chuyển hóa trong cơ thể con người. Nó là niềm vui, là nỗi buồn, là phút suy tư, là lúc trầm ngâm sâu lắng của mỗi con người. Uống trà hàng ngày đã trở thành một nhân tố thúc đẩy một ngày làm việc mới, gây một tâm trạng yên bình, thoải mái. Cuộc sống hiện đại thời nay có bao nhiêu thứ quyến rũ con người. Các kỹ nghệ ẩm thực, giải trí ngày một làm mê hoặc lòng người. Nhưng vì việc uống trà đã trở nên máu thịt, đi vào chuyển hóa cơ thể con người, tạo nên tâm trạng vui buồn, tạo nên những sức mạnh tiềm ẩn, suy tư, sâu lắng vì thế không có loại ẩm thực gì, không có loại hình giải trí nào có thể thay thế được. Hình ảnh khách và chủ cùng nâng chén hạt mít hương trà ngâu thơm nhẹ nhàng đã phát động trong lòng chúng ta một loạt những cảm xúc an nhiên, tự tại, tự làm chủ bản thân, gợi mở ra một âm hưởng suy tư về cuộc sống. Đến Thái Nguyên uống trà Thái, đó đích thị là nét văn hoá đáng tự hào./.

Phương Linh

Leave a Reply